Những nông dân xứ Mường Hòa Bình 'ăn nên làm ra' từ cây dổi
Cập nhật 10-04-2019
Là một trong những địa phương thuộc khu vực 135 của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, những năm gần đây, diện mạo xã Chí Đạo đã có sự thay đổi rõ rệt. Đời sống của người dân ngày một khấm khá, nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo và trở thành triệu phú.
Thành công rực rỡ ấy có phần nhờ cây dổi – đặc sản của xứ Mường.
“Vàng đen” khó trồng
Dổi vốn là một loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh lại rất thơm. Vì thế từ xưa đến nay gỗ dổi rất được ưa chuộng.
Trên thị trường, giá mỗi kilogam hạt dổi dao động từ 1,7 - 2 triệu đồng, cây giống khoảng 5.000 đồng/cây.
Theo những bậc cao niên trong xã Chí Đạo, cây dổi được người dân nơi đây tìm thấy quanh các bụi tre, bờ suối… Thấy cây xanh tốt, nhiều người mang về trồng lấy gỗ và hạt. Tuy vậy, thứ “vàng đen” lại chẳng dễ trồng.
“Trước đây, khi chưa có kinh nghiệm, việc ươm cây rất khó khăn, tỉ lệ cây sống sau ươm chỉ 50%. Ươm chục hạt thì chỉ thu được khoảng 4 - 5 cây”, ông Bùi Văn Dạn, một nông dân có 12 năm kinh nghiệm trồng dổi ở Chí Đạo cho biết.
Theo những người trồng dổi lâu năm, quá trình chọn hạt mầm luôn là khâu được đầu tư nhất. Loại hạt để làm giống phải là hạt chín đỏ, già từ trên cây.
Mẹo của người có kinh nghiệm khi chọn giống là khi hạt được lấy về phải chọn tiếp bằng cách cho vào chậu nước, nếu thấy hạt chìm mới được chọn.
Ông Dạn chia sẻ: “Cây dổi nếu đã gieo và lên cây được thì cây rất dễ sống, mỗi năm chẳng cần chăm sóc đầu tư nhiều mà vẫn thu nhập cao. Nhưng vấn đề khó khăn ở khâu gieo hạt. Nếu không chọn được hạt tốt, đạt chất lượng, đủ độ nảy mầm, đất không đủ tơi độ ẩm không thích hợp thì cây khó sống”.
Những triệu phú
Nhận thấy giá trị kinh tế của cây dổi, từ hạt của một vài cây do ông cha để lại, những người nông dân Chí Đạo mày mò ươm, trồng và cấp cây con cho các gia đình trong xóm cùng trồng. Không chỉ vậy, họ còn chỉ nhau cách phun thuốc phòng trừ dế mèn và dịch bệnh thường gặp, giúp cây phát triển khỏe mạnh, không bị sâu bệnh.
Trồng dổi ghép nhanh ra quả
Là một trong những người có công đầu ươm cây dổi từ hạt, ông Bùi Văn Dạn cho biết mỗi năm, vườn ươm của ông cung cấp từ 7.000 - 10.000 cây cho các hộ dân trong vùng, trở thành nguồn cung ứng cây giống và hạt lớn nhất cho toàn huyện Lạc Sơn.
Nhờ kinh nghiệm tích lũy được, ông Dạn đã nảy ra ý định ghép cây giúp đẩy nhanh tiến độ ra quả cho hạt, năng suất cũng tăng lên nhiều. Cây được chọn để ghép thường là cây lớn đủ tiêu chuẩn, cắt ngọn ở mỗi đầu cành, sau đó ghép vào cây ươm ở bầu 1 năm tuổi. Cây giống được ghép trồng trong 4 năm sẽ cho quả, nhanh hơn so với cây thông thường từ 8 - 10 năm mới ra quả. Vì thế, loại cây ghép này càng được ưa chuộng và thu mua nhiều.
Riêng gia đình ông Dạn, hạt dổi tươi mỗi năm thu được 100kg. Hạt phơi khô còn lại là 40kg. Cây giống chưa ghép có giá 5.000 đ/cây thu về 100 triệu đồng/năm. Cây ghép bán 60.000 đ/cây cũng thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Cộng với giá hạt khô (2 triệu đồng/kg) ông thu về 70 - 80 triệu đồng/năm. Với mức thu nhập như vậy, gia đình ông Dạn đã mua sắm được nhiều vật dụng cần thiết cho gia đình, đời sống được nâng cao, có của ăn, của để và có vốn để đầu tư phát triển sản xuất…
Không chỉ có ông Dạn, nhiều hộ như ông Bùi Văn Hòa, bà Bùi Thị Siềm, Bùi Văn Biền,… cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ cây dổi.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam